Cầu Hàm Rồng
Cây Cầu Hàm Rồng bất tử nối liền hạt ngọc với miệng thần long, sông Mã. ở điểm này nước chảy rất xiết đổ thông qua họng, lưỡi, răng của thần long và cũng là nơi thủy táng rất nhiều máy bay Mỹ, tạo sắc huyền bí cho một bức tranh bộc lộ long mạch. Nơi đây từng là trọng điểm của cuộc chiến tranh, hàng trăm máy bay Mỹ bỏ mạng, hàng chục giặc Mỹ bị bắt sống, đặc biệt là trong 2 ngày 3,4/4/1965 quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Sau bao lần bị đánh phá ác liệt, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, đứng vững tựa vào sườn núi bên bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí, quật cường dân tộc “Hàm Rồng – tức là miệng Rồng, nó đã chiến đấu như một thần thoại phi thường” (Thời báo mới Liên Xô).
Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng
48 mùa xuân đã đi qua, kể từ ngày quân và dân Thanh Hóa giành chiến thắng Hàm Rồng (3-4/4/1965); trong không khí thanh bình, đất nước đổi mới, hội nhập, trên mảnh đất mang dấu tích bom đạn đã chứng kiến sự ra đời của một công trình tâm linh đồ sộ: Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (TVTLHR). Nơi đây lưu giữ bảo tồn vĩnh viễn một địa danh gắn liền với sự phát triển lịch sử, văn hóa, xã hội của cả nước.
Với tổng diện tích 40.000m2, tọa lạc trên đồi C4, núi Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, thiền viện nằm thanh tịnh trên ngọn đồi cao, bên bờ Sông Mã, bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải. Đường lên thiền viện uốn lượn quanh co, càng lên cao con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, hết thảy mọi sinh hoạt đời thường, mọi quang cảnh thế tục… bỗng như lùi vào một cõi xa xăm, nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa vang vọng...
TVTL Hàm Rồng là nơi để Phật tử đến tu học, tổ chức lễ Hằng thuận cho các đôi tân hôn, các buổi trò chuyện, giảng đạo cho mọi tầng lớp thanh thiếu niên, doanh nhân, doanh nhiệp, đào tạo tăng ni, đào tạo các sư thầy, sư bác trụ trì các chùa trong tỉnh thu phục nhân tâm, hướng thiện cho Phật tử và lớp lớp con cháu mai sau. Đồng thời, TVTL Hàm Rồng sẽ góp phần tôn tạo danh thắng núi Hàm Rồng trở thành một danh lam thắng tích, một nơi du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.
Du thuyền trên sông Mã
Trên hành trình thăm thú cảnh quan nơi đây, du thuyền trên sông Mã sẽ là lựa chọn tối ưu nhất đem đến cho du khách một chuyến đi thực sự thú vị bởi Hàm Rồng - sông Mã còn có sức hấp dẫn và làm hài lòng du khách bởi những vẻ đẹp khác như: du khách có thể xem vết tích của người cổ xưa, những ngôi mộ Hán cổ đại của người Tàu, đọc những bài thơ chữ Hán của vua chúa triều Lê, nghe những sự tích kỳ lạ được thổi hồn trên những vách đá nhũ trong các hang động…
Động Long Quang
Động Long Quang nằm ngay trên núi Rồng, ngọn núi có một hang xuyên từ bên này sang bên kia, như đôi mắt của con Rồng nên có tên gọi là động mắt rồng. Động Long Quang có nhiều phong cảnh đẹp, nên thơ, đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách từ xưa đến nay như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh…đến vãn cảnh.
Động Tiên Sơn
Khi đến với động Tiên Sơn, du khách được chiêm ngưỡng hệ thống nhũ đá còn nguyên sơ muôn hình, vạn dạng vẽ ra trước mắt du khách những bức tranh sống động như được lạc vào thiên đường với những hình thù ngọc hoàng thượng đế, tiên ông, tiên cô, thần sấm, thần sét, rồng bay, phượng múa, có vườn đào, thủy cung, địa ngục, cổng trời, giếng tiên… Động có 3 động chính cao hàng chục mét, chứa được hàng ngàn người, thông nhau bằng những lối lên xuống nhỏ tạo cảm giác huyền ảo, kỳ lạ trong không khí mát lạnh…Từng vách đá, từng ngách hang, đâu đâu cũng như trăm ngàn vạn vật đang được sinh sôi, nảy nở, khiến du khách cảm thấy mình đang được sống trong các câu chuyện thần thoại, cổ tích.
Làng cổ Đông Sơn
Du thuyền sẽ tiếp tục đưa du khách về với làng cổ Đông Sơn. Ngôi làng có tuổi thọ hàng ngàn năm, trong làng còn tồn tại hàng chục ngôi nhà cổ xưa, đình làng, cổng làng vẫn được lưu giữ, những con đường lát gạch hoặc đá ngoằn ngoèo theo sườn núi, những bức tường đá rêu phong làm cho du khách như được trở lại với thời gian. Nơi đây, năm 1924 một người đánh cá vô danh đã nhặt được những di vật cổ ven sông Mã, từ một vài di vật lạ ấy, nhà khảo cổ học người Pháp LPaijot đã tiến hành khai quật khảo cổ và ông đã phát hiện ra dấu vết đầu tiên của người Việt cổ cách đây khoảng 3000 năm như công cụ sản xuất, vũ khí, đồ đựng, đồ trang sức…trong đó trống đồng là di vật độc đáo nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Tên của ngôi làng nhỏ nhắc tới ở trên đã trở thành tên của cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2000-3000 năm.