Không chỉ có một lễ hội Đền Thi nổi tiếng, đồng bào Thổ xứ Thanh còn sáng tạo ra một nghề thủ công truyền thống từ rất lâu, đó là nghề dệt sợi gai. Cần cù như loài ong làm mật cho đời, những Mê, những Ún trong bản làng nghèo khó xưa kia đã ngày ngày chăm chỉ, khéo léo dệt sợi đan lưới, thêu chăn, làm võng, may váy… Cùng với những bí quyết trong cách dệt, những sản phẩm hữu ích này qua nhiều đời đã kết tinh thành giá trị văn hóa độc đáo của người Thổ quê Thanh…
Sợi gai được dệt từ vỏ cây gai, một loại cây thuộc họ tầm ma, lá của nó thường dùng để làm loại bánh đặc sản - bánh gai. Đi qua nhiều tháng năm, nghề dệt sợi gai đã trở thành tập quán, hình thành nên một thời gian biểu sản xuất tương đối ổn định của đồng bào Thổ nơi đây. Họ tích lũy được kinh nghiệm dân gian quý báu trong việc sản xuất sợi gai như một kỹ năng khá thuần thục, cụ thể: chọn đất Giếng (nương mới phát, tốt màu) để trồng cây gai; trồng từ hạt và tập trung vào mùa xuân để có năng suất; chọn cây lấy hạt làm giống là cây có 1 củ sẽ không bị sâu bệnh và có sản lượng cao. Người Thổ ở Thanh Hóa cũng lão luyện trong việc tìm kiếm vỏ và các loại củ cây để chế làm màu nhuộm sợi cho bền, đẹp như lá Khót vàng, lá Thơm…nhưng kỳ công và tinh xảo hơn cả là quy trình chế tác.
Để dệt những tấm sợi gai như ý, người Thổ chú trọng đến công cụ chế biến sợi như dao bóc sợi, dao tước sợi, nồi đồng to để luộc sợi gai và thanh tre vót nhọn để se sợi. Công cụ để dệt là bàn làm bằng tre, khung cửi dệt hay gọi là khung con cú, đòn ngồi là tấm ghế băng, trục cuốn vải. Khuôn dệt dài được vót nhẵn từ những nan tre già, cỗ go để khi dệt mà dận chân đòn thì tạo được khe hở cho con thoi chạy qua. Con thoi làm bằng gỗ nghiến hoặc bằng sừng, thanh văng được làm bằng cột tre già để giữ cho mặt vải luôn được và đều sợi. Vải dệt từ sợi gai có dộ mịn, đẹp và rất bền được người đương thời đánh giá khá cao cả về hình thức và giá trị sử dụng. Vải sợi gai được dùng để dệt váy, làm khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn…
Thả hồn theo từng lao tay kết hợp bước dận chân nhịp nhàng, cùng mắt lẹ nhanh để mắc cửi đều đặn và chính xác cho các sợi se khít vào nhau, người Thổ đã dệt nên không biết bao mét sợi, tấc vải đưa lại lợi ích và làm giàu bản sắc văn hóa cho quê hương xứ Thanh.